-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Người nông dân vượt khó chế tạo máy xới đất trục liên hợp
Đăng bởi Admin 30/05/2019
Hậu Giang vừa ghi nhận một sáng chế của nông dân trong việc chế tạo máy xới đất trục liên hợp được ứng dụng rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Cao Phi Hổ (ngụ ấp 1A, xã Tân Hòa, H.Châu Thành A, Hậu Giang) đã ấp ủ việc chế tạo chiếc máy xới đất trục liên hợp cách đây hơn 10 năm. Sau khi hoàn thành xong bản thiết kế, ông gửi đến Quỹ hỗ trợ vì sự nghiệp khoa học của H.Châu Thành A và được giúp đỡ 45 triệu đồng để thực hiện. Đầu năm 2013, ông hoàn thành chiếc máy xới trục liên hợp và được huyện tổ chức hoạt động thử nghiệm trên đồng ruộng. Nhiều nông dân đã hết sức bất ngờ trước một chiếc máy vừa xới vừa trục đất cùng một lúc.
Máy xới và máy trục trên thị trường hiện nay đều có chung cách hoạt động là máy vận hành nằm phía trước kéo máy làm đất phía sau. Chiếc máy của ông Hổ được thiết kế khác hẳn, máy xới được gắn phía trước, máy vận hành nằm phía sau và đảm nhiệm luôn vai trò là máy trục. Khi hoạt động, máy xới được máy vận hành đẩy tới, máy xới sẽ bám vào đất tạo lực kéo máy vận hành phía sau, nhờ vậy mà máy hoạt động nhanh và tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Máy được cấu tạo gồm 3 bộ phận chính: bông xới phía trước, máy vận hành phía sau và bông trục nằm dưới máy vận hành. Bông trục vừa làm nhiệm vụ trục, vừa làm bánh xe để máy có thể di chuyển dễ dàng trên địa hình ngập nước, lầy lội ở đồng ruộng miền Tây. Khi hoạt động, máy nổ kéo hộp số, vận hành cả bông xới và bông trục. Bông xới có thể cất lên và máy chỉ làm nhiệm vụ trục đất khi cần thiết.
Thông thường, vào đầu vụ, nông dân phải thuê máy xới làm đất trước, rồi đến máy trục làm khâu tiếp theo. Theo ông Hổ, người dân thường mua máy xới nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trung bình 70 triệu đồng/chiếc hoặc máy xới cũ của Nhật Bản khoảng 25 triệu đồng/chiếc, nhưng đều phải cải tiến lại cho phù hợp với điều kiện đồng ruộng ở Việt Nam, còn máy trục có giá 45 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, máy xới trục liêp hợp có giá 70 triệu đồng/chiếc, tốc độ làm đất nhanh gấp đôi so với việc sử dụng 2 máy xới, máy trục riêng và có thể tiết kiệm đến 400.000 đồng/ha.
Mấy tháng gần đây, xưởng cơ khí của ông Hổ đã chế tạo 5 máy xới trục liên hợp theo đơn đặt hàng của nông dân ĐBSCL. Hiện nay, ông đang sản xuất 3 chiếc máy mới cho nông dân ở 2 tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng.
Với tác giả chiếc máy, sự thành công không tính bằng số lượng máy bán ra thị trường. Niềm vui lớn nhất được đo bằng sự hài lòng mà người nông dân có được trên mảnh ruộng của mình. Ở đó, giá trị hạt lúa được vun bón thêm bằng thứ dinh dưỡng mới - chất xám của chính người nông dân
Chia sẻ: