-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Căng thẳng nguồn điện
Đăng bởi Admin 30/05/2019
Đầu tháng 6/2010, ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hứa hẹn, khả năng sau 20/6, tình hình thủy văn được cải thiện thì việc sản xuất và cung ứng điện sẽ dần trở lại bình thường.Tuy nhiên, thực tế thời tiết diễn ra không thuận lợi.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, mực nước của hồ Hòa Bình hiện ở mức 81m, cách mực nước chết khoảng 1,5m. Theo ông Thành, thủy điện Hòa Bình cung ứng tới 12% sản lượng điện của cả nước nhưng với mực nước trên, công ty đã phải cho dừng chạy nhiều tổ máy, một số tổ máy chỉ hoạt động cầm cự. Thậm chí, trong vài ngày tới không biết toàn bộ nhà máy có hoạt động được không vì còn phụ thuộc vào nguồn nước về hồ. Nhưng ngay cả khi nước trên hệ thống sông Đà có được cải thiện trong vài ngày tới thì các nhà máy của Trung Quốc ở thượng nguồn cũng khai thác lợi thế trước nên không ai dám chắc nước về hồ thủy điện thế nào. Không chỉ thủy điện Hòa Bình mà các hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà cũng chỉ còn cách mực nước chết vài chục cm. Theo EVN, nguồn thủy điện chiếm tới 34,2% nguồn cung ứng điện cả nước, mùa mưa có thể phát 130 triệu kWh/ngày (nếu hoạt động 20 giờ/ngày), mùa khô có thể phát 65-68 triệu kWh/ngày (tương đương 10-12 tiếng/ngày). Tuy nhiên, hạn hán đã khiến cho nguồn điện quan trọng này chỉ còn có thể huy động ở mức 40-45 triệu kWh/ngày, thấp hơn mức khống chế ban đầu của EVN tới 5 triệu kWh/ngày. Với tình hình này, việc cung ứng điện sẽ phải trông chờ vào các nguồn chạy dầu, nhiệt điện... Tuy nhiên, cái khó với ngành điện là các nguồn điện mới huy động từ các nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Sơn Động, Cẩm Phả... còn chưa ổn định, hay gặp sự cố. Cùng với đó, một số nhà máy điện lại đang vận hành quá công suất, rất dễ gặp sự cố.
Nâng cao khả năng cung ứng điện
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN tiếp tục chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc tập trung lực lượng, huy động phát tối đa các nguồn điện. Bên cạnh việc theo dõi sát tình hình thủy văn để kịp thời điều chỉnh và có chế độ vận hành linh hoạt các nhà máy thủy điện theo nguyên tắc nước về đến đâu phát điện đến đó, giữ không để mực nước các hồ xuống mực nước chết, đảm bảo cung ứng điện ở mức cao nhất có thể. EVN tập trung khắc phục sự cố để sớm đưa vào hoạt động trở lại Nhà máy điện Hải Phòng 1 và Quảng Ninh 1. Đồng thời, EVN chỉ đạo các đơn vị phát điện trực thuộc tăng cường công tác ứng trực để trong thời gian ngắn nhất sửa chữa khắc phục sự cố (nếu có). Ngoài ra, EVN chỉ đạo các tổng công ty điện lực chủ động trao đổi, làm việc với các đơn vị sản xuất kinh doanh có các nguồn điện diesel dự phòng nhằm giảm bớt khó khăn cho ngành điện. Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN thường xuyên giám sát việc cung cấp điện của các tổng công ty điện lực. Trong trường hợp phải điều hòa, tiết giảm phụ tải điện cần phải thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Bộ trưởng yêu cầu làm việc với nhà thầu Talisman về các biện pháp rút ngắn thời gian bảo dưỡng và sửa chữa giàn cung cấp khí PM3-CAA; duy trì việc cung cấp khí để đảm bảo huy động đủ cho công suất và sản lượng phát điện của các cụm điện khí ở khu vực Phú Mỹ và Nhơn Trạch như thời gian qua đã thực hiện. Bên cạnh đó, PVN có nhiệm vụ phối hợp với EVN xác định sản lượng điện phát của Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 để chuẩn bị đủ dầu DO cho phát điện theo yêu cầu cung ứng điện trong giai đoạn sửa chữa giàn cung cấp khí PM3-CAA. Còn Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam có nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị phát điện trực thuộc đảm bảo phát điện tối đa các nguồn điện hiện có trong hệ thống điện quốc gia. Mặt khác, tập đoàn phải thực hiện các biện pháp sớm đưa vào vận hành trở lại các tổ máy phát điện đang bị sự cố tại Nhà máy điện Sơn Động và Cẩm Phả. Phó Tổng Giám đốc EVN Đậu Đức Khởi cho biết thêm EVN đã phải huy động tối đa công suất phát điện dầu diesel, dầu FO, DO, tăng lượng điện mua từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu điện dành cho sản xuất và tiêu dùng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo ông Khởi, một mình ngành điện khó có thể giải quyết được tình hình mất điện căng thẳng như hiện nay, mà cần có sự chung tay giúp sức của mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và “tiết kiệm vẫn là giải pháp tối ưu".
Chia sẻ: